Posts Tagged ‘maid’

Lại ngôn ngữ của bà Nuôi

May 6, 2009

Ngôn ngữ của bà Nuôi mình học bao nhiêu cũng ko đủ.

Dẫn bà Nuôi ra ngoài đường, mình đi trước, bà Nuôi bám theo. Cứ thỉnh thoảng lại nghe bà Nuôi chậc chậc “trời đẹp gì mà đẹp dữ vậy ta ơi”. Là bà Nuôi đang trầm trồ những luống hoa và những hàng cây hai bên đường trổ hoa đủ các màu. Bà Nuôi ko quen với một thành phố nhiều hoa, nhất là hoa cứ tơ hơ ra đấy mà chả bị ai thịt mất.

Đi ngoài đường, thỉnh thoảng bà Nuôi lại nghển cổ ngắm nhà cao tầng và bình luận một câu trăm lần như một “cao ngó muốn trật ót”.

Hồi mới sang bà Nuôi hay bảo mình “cô ơi, hôm nào cô mua cái cồ cô guây đi cô”. Mình chả hiểu cái cồ cô guây là gì nhưng lại giấu dốt nên cứ ậm à ậm ừ. Sau vài lần âm thầm phân tích tình huống mới nghiệm ra ý bà Nuôi là cái lò vi sóng microwave.

Thấy mình ăn mặc tử tế để chuẩn bị đi dự một sự kiện gì đó, bà Nuôi sẽ ngắm nghía, tiến đến gần vuốt ve, thậm chí sờ nắn, miệng nức nở “ra ngoài đường ai mà bảo cô hai con là tôi cùi luôn đó”.

Bà Nuôi làm được bao nhiêu tiền để dành bấy nhiêu, chả tiêu gì. Bà Nuôi tâm sự “tôi chỉ thích đi mua sắm ở đài mân thôi cô ạ, các cô tôi làm cho hồi trước toàn mua ở đó đẹp lắm”. Mãi rồi mình cũng hiểu ra đài mân là cái Diamond Plaza ở Sài gòn. Định bảo “u ơi, u vọng cổ vừa thôi” nhưng chợt nhớ ra bà Nuôi thường chả hiểu mình nói gì nên khi nói với bà Nuôi mình thường phải dùng ngôn ngữ vô cùng súc tích giản dị, chứ ko dám ăn nói linh tinh dây cà ra dây muống như thói quen.

Bà Nuôi nói lạ đã đành, nghe cũng lạ. Chàng gọi mình là amore, bà Nuôi lại băn khoăn “cô ơi sao ổng gọi cô là mô đen?”. Chưa kể bà Nuôi còn tưởng tên chàng là băn ni.

Đi ra ngoài đường, bà Nuôi đặc biệt ngưỡng mộ những bà già già chát mà vẫn mặc những màu nổi đình nổi đám như hồng cánh sen, đỏ ớt, xanh rợ. Bà Nuôi thường cảm thán ‘sao họ già mà họ sắm sửa cô nhỉ, tôi mà già như họ chắc tôi ruồi đậu lên mép ko buồn đuổi quá”.

Bà Nuôi hài hước đã đành, mà con trai bà Nuôi cũng ko kém. Cậu ta đang cưa cẩm cô con gái nhà nọ, đến chơi đúng lúc nhà họ đang xây nhà. Vì là đang cưa cẩm nên cậu ta hăng hái xắn tay vào định làm giúp. Ông bố cô kia hỏi “mày đã xây bao giờ chưa mà định giúp?”, cậu ta trả lời rất thành thật “con xây rồi, ở nhà con con xây chuồng lợn cho má con suốt”. Kể với chàng chàng cười tắt thở.

Chiếc lược của bà Nuôi

February 15, 2009

Bà Nuôi có một cái lược. Cái lược cong cong như hình trăng lưỡi liềm bà Nuôi hay dùng để cài hờ hững lên mái tóc. Mỗi tội từ hồi sang NYC, mái tóc bà Nuôi ko chịu nổi nhiệt vì gặp thời tiết hanh khô nên rụng tá lả, cái lược thành ra lại hơi lỏng, động tẹo là rơi toạch xuống nền. Mỗi ngày vài bận bà Nuôi phải cúi xuống lượm lược và lại cài hờ hững lên mái tóc.

Tuy nhiên sáng thứ 6, bà Nuôi ko hiểu lơ đãng ra sao mà lược rơi lúc nào ko biết. Lúc sờ lên tóc thấy mất lược bà Nuôi đi tìm khắp nhà, luôn miệng “ủa rơi đâu vậy ta”. Sau khoảng 4 lần “ủa rơi đâu vậy ta” của bà Nuôi thì chú Bình Nguyên đang chơi gần đó cất lời an ủi “bà Nuôi đừng đi tìm nữa, ko thấy đâu, để bao giờ Lê lớn Lê đi làm Lê có tiền Lê mua lược mới cho bà Nuôi, vài trăm đô”. Bà Nuôi nghe xong tí ngất. Không hiểu chú học cái khái niệm tiền bạc kia ở đâu ra.

Tuy nhiên đến trưa thì bà Nuôi à lên sung sướng khi thấy Lila lịch kịch bò ra, tay cầm khư khư cái lược, ko hiểu bé chui vào xó xỉnh nào mà lại thấy. Lê La là hai trợ thủ quá đắc lực của bà Nuôi. Bà Nuôi mất gì sớm muộn Lila trong quá trình rúc vào tất cả các xó xỉnh trong nhà sẽ tìm ra, còn chú Bình Nguyên thì làm thông ngôn, từ Anh và Ý sang Việt. Chú đưa thư, khách đến ở trong nhà, ông chủ nhà, thậm chí là bố chú Bình Nguyên, nếu mẹ ko có nhà mà ko có chú Bình Nguyên làm thông dịch thì những người kia có nói gì bà Nuôi cũng chỉ cười khơ khớ.

Buổi chiều, chú Bình Nguyên đi học về, vốn tinh mắt chú nhìn thấy ngay trên mái tóc bà Nuôi chiếc lược hình bán nguyệt đã cài chễm chệ như thường lệ. Chú bảo “nhưng Lê vẫn mua cho bà Nuôi cái lược mới, cho bà Nuôi có nhiều cái lược luôn, vài trăm đô”.

Mẹ chú mới hỏi “con học cái từ vài trăm đô ở đâu thế con?”, chú bảo “Lê nghe bà Nuôi nói thế”. Mẹ chú mới à lên, bà Nuôi thường lôi cái bóp nho nhỏ hiệu Prada bà Nuôi mua vài trăm đô ở Singapore ra khoe. Chắc chú nghe lỏm được và nhập tâm luôn.

It takes a lot to be sweet

January 16, 2009

Buổi sáng, vừa xuống tới chân cầu thang đã nghe chú Bình Nguyên chạy ra mách “mamma, chú uống cái ấy trong toa lét, mùi hôi lắm”. Chả hiểu chú định mách gì mới gọi bà Nuôi ra hỏi, hoá ra cậu bạn ở nhờ mấy hôm chui vào toilet hút thuốc lá. Vốn từ vựng của chú Bình Nguyên chưa có từ thuốc lá, còn từ hút thì chú chỉ đơn giản hiểu là hút như dùng ống hút uống nước, nên chú mới bảo là uống cái ấy.

Tự nhiên lại nhớ ra một chuyện, hồi vẫn còn chị giúp việc cũ. Hôm đó mình có 3 cô bạn đến chơi. Chú Bình Nguyên cứ làm nũng khóc lóc mà chị giúp việc cứ lờ đi như ko nghe thấy. Mình mới gọi chị ấy ra mang Bình Nguyên vào nhà trong dỗ cho chú khỏi khóc. Chị ấy ra dẫn Bình Nguyên vào bếp, tự dưng mình nghe tiếng chú khóc ré lên. Rồi một lúc sau chú chạy ra mách mẹ “Bác đánh vào đầu Lê”, tay chỉ chỉ vào phía sau đầu, rồi lại mếu máo khóc. Mình vạch chỗ chú chỉ ra, thấy một vệt đỏ rần. Mình hỏi vọng vào “chị H, có chuyện gì mà Ale nó lại bảo chị đánh nó thế?”, chị ấy chối biến “đâu, chị có đánh nó đâu”. Đợi khách về mình mới hỏi “nó chỉ cho em chỗ chị đánh nó đây này”, “đâu, em buồn cười nhỉ”, rồi một lúc sau “đâu, nó chạy vội suýt ngã, chị túm tóc nó kéo lại đấy chứ”??? Đen cho chị giúp việc là chú Bình Nguyên quá khôn. Vì thông thường con trai 2 tuổi 3 tháng như chú lúc đó không thể biết mách chính xác như thế, nhất là những đứa trẻ nói nhiều thứ tiếng một lúc.

Lúc chỉ còn hai mẹ con, mình hỏi “mọi chuyện thế nào con kể cho mẹ nghe xem nào”, chú bảo “bác đánh vào đầu Lê Lê khóc bác bảo suỵt suỵt”, vừa nói vừa đưa ngón tay be bé lên miệng ra dấu suỵt suỵt. Điên hết cả người. Nhưng chị giúp việc cũng khôn, thấy chàng về đến cửa là chị ấy khóc lu loa lên luôn, nào là tôi rất yêu nó ko bao giờ tôi lại đánh nó, nào là tôi rất buồn vv và vv rồi đến lượt mình thì “chị với em rất là thân thiết, bây giờ trẻ con mất lòng người lớn” vv và vv.

Mình bảo chị giúp việc “thôi được rồi, em ko tận mắt nhìn thấy sự việc nên coi như bỏ qua. Nhưng chị phải hiểu là quy định ở nhà em là ko bao giờ được sử dụng vũ lực với trẻ con, ngay cả quát tháo mắng mỏ cũng ko được”. Được cái là sau vụ đó chắc có định bạo lực gì lúc mình vắng nhà thì chị ấy cũng phải dè chừng vì sợ chú mách mẹ.

Có những người, như chị giúp việc này, coi bạo lực quát tháo với trẻ con là chuyện bình thường, chả có gì gọi là vi phạm đạo đức hay tình cảm, chửi câu trước nựng câu sau ngay được. Chị ấy kể chuyện chị ấy tát thằng con trai 17 tuổi của chị ấy cứ như không, mắng chửi thì thành cơm bữa rồi. Trong khi ở nhà Bình Nguyên, chuyện bố mẹ quát con còn ko có, đừng nói đến chuyện dùng vũ lực.

Hình như càng quát thì bọn trẻ con càng lỳ càng bướng. Từ quát nhẹ đến quát nặng, rồi đến xỉ vả, rồi đến thượng cẳng chân hạ cẳng tay, rồi đến lúc chúng nó lớn nó khoẻ hơn mình đánh nó nó đỡ lại có khi mình già xương giòn lại gẫy cả tay, thì đúng là bất lực toàn phần.

Ở trong tàu điện ngầm ở NYC, mình quan sát thấy cục cằn thô lỗ nhất là những bà mẹ da đen, và hư nhất cũng là những đứa trẻ da đen.

Ảnh: Bà Nuôi chuyên mặc quần lót trái cho chú Bình Nguyên

Ngôn ngữ của bà Nuôi

November 21, 2008

Ngôn ngữ sử dụng tại nhà Bình Nguyên đã đến hồi hoang dại.

Nếu bà Nuôi nói cái chai mủ, thì mẹ BN phải tự hiểu ý bà là cái chai bằng nhựa, để phân biệt với chai thuỷ tinh.

Cà rốt thì bà Nuôi sẽ gọi là củ cải cà gốt, hoặc hoang dại hơn, củ cải đỏ. Chú Bình Nguyên thì chắc nghĩ chú nói giỏi lắm rồi, nên chú bắt đầu xuyên tạc, chú gọi cà rốt là cà vằn, cà ngựa.

Quả chanh màu vàng rõ ràng, nhưng bà Nuôi cứ bảo đó là quả chanh đỏ.

Ngũ cốc mẹ Bình Nguyên mua để ăn sáng thì bà Nuôi bảo là bánh. Mẹ BN cứ hỏi “ale ăn sáng chưa hả bà Nuôi, cháu ăn gì thế”, thì bà Nuôi bảo ‘tôi cho nó ăn bánh rồi cô ạ” làm mẹ BN lại “bánh nào, tại sao sáng lại ăn bánh”.

Bột gạo để quấy bột cho Lila thì bà Nuôi gọi là sữa. Cũng chưa hỏi bà Nuôi thế sữa thì bà Nuôi gọi là gì. Ở trên gác thì bà Nuôi bảo là “ở trên trển”, ở phòng khách thì bà Nuôi bảo là “ở trển”. Các loại túi xách, túi ni lông, ba lô, tất tật đều được bà Nuôi gọi là cái bị. Hỏi bà Nuôi cái gì ở đâu mà bà Nuôi bảo là “ở trong cái bị đó cô” thì thôi rồi, tìm toét mắt.

Hoảng nhất là có hôm về muộn, hỏi bà Nuôi ơi hôm nay Lila ăn gì, “nó ăn cá cô ạ”. Nghe mà hết hồn, hỏi dồn “cá nào, sao cô lại cho nó ăn cá”. Hoá ra khi bà Nuôi nói cá ý bà Nuôi định nói “thịt”.

Chú Bình Nguyên thì hay đố bà Nuôi. Chú đố câu nào là bà Nuôi ngẩn tò te ra câu đấy. Ví dụ, chú giở sách và hỏi “Bà Nui, cái xe đâu rồi?”. Bà Nuôi nhìn vào trang sách ngẩn tò te “ủa chết cha, xe đâu gồi, chết cha xe đâu gồi”. Làm chú lại “cái xe rơi xuống nước rồi còn gì nữa”.

Nhưng mẹ BN thấy rầu nhất khi con trai bắt đầu “Bà Nui ơi nực (nóng) quá bà Nui cởi dzớ (tất) cho Lê”. Còn tối qua, chú chạy ra chỗ mẹ, chú chỉ vào tí chú, chú bảo “mamma, đây là dzú Lê”.

Từ hồi có bà Nuôi mẹ chú BN đâm lại hay nghĩ ngợi, nghĩ ngợi kiểu “không hiểu ngày mai bà Nuôi sẽ có sáng kiến rì nhỉ?”.

Bonus thêm một chuyện. Hôm qua mẹ BN đang ngồi ăn cơm thì bà Nuôi bảo “yêu chồng mà đẻ con thì con giống bố lắm”. Mình im chả nói gì. Nói chung mình ko tin mấy cái ko có bằng chứng khoa học. Bà Nuôi lại tiếp:

Nhưng mà sao tôi ghét cái lão chồng tôi mà 3 đứa con đứa nào cũng giống bố hết trơn hết trọi

Nhưng mà cái lúc đấy thì có ghét đâu u, về sau mới ghét đấy chứ (ý mình là lúc mới lấy nhau có con thì đâu có chuyện gì, mãi về sau chồng vớ vẩn thì gia đình mới lục đục).

(thì bà Nuôi hỏi luôn) Ý cô là cái lúc giao hợp thì ko ghét nhau ấy hở.

Mình xanh hết cả mặt mình bảo “khiếp u nói kinh quá”. Bà Nuôi cười sằng sặc, bà Nuôi bảo “cô chả nói chay (ý là nói bậy) bao giờ, chứ mấy cô tôi làm hồi trước các cô ấy nói chay kinh lắm, vui lắm”.

Chết, thế này thì bà Nuôi làm ở nhà Bình Nguyên bà Nuôi buồn như trấu cắn rồi

Quan niệm về cái đẹp của bà Nuôi

October 26, 2008

Mình chuẩn bị đi ra ngoài. Bà Nuôi ngắm nghía rồi bà Nuôi bảo:

– Cô ơi, cô đẹp dữ dzậy. Cô đẹp hơn dượng nhiều (dượng ở đây tức là chàng), hèn nào dượng chả mê cô lết bánh (cả ngày chàng chẳng thèm nhìn cái mẹt mình lấy một lần, mặc cái váy cũ gần rách mà chàng vẫn hỏi váy mới à, thế mà ko hiểu sao bà Nuôi lại tưởng tượng ra là mê mình lết bánh).

Tuy nhiên, kể tiếp: mình chưa kịp sướng âm ỉ thì bà Nuôi lại tiếp:

Cô ơi, cậu em trai cô cũng đẹp hén cô hén

(mình bàng hoàng) Thằng nào đẹp hả cô? (chả là mình có tận hai thằng em trai)

Cái cậu út đó cô

(la hoảng) Trời ơi, u ơi, thằng đấy mà u bảo đẹp

(bà Nuôi lại tiếp) Cậu cả cũng đẹp cô hén

(sốc nặng) Thôi u ơi u tha cho con.

Mình chưa kịp hoàn hồn thì bà Nuôi lại bồi tiếp đòn nữa, đòn này là quyết định:

Hai cô em dâu của cô cũng đẹp cô hén

Mình ngất tại chỗ. Ôi thôi, thế này thì hỏng. Từ giờ mình chỉ muốn bà Nuôi bảo mình ko đẹp. Hay tiếng miền Cần Thơ sông nước của bà Nuôi “đẹp” mang một nghĩa khác, ví dụ “dzui dzẻ” chẳng hạn.

Để hôm nào có ảnh hai cô em dâu mình một lúc mình post lên mạng. Cho mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp TRẦM NGƯ LẠC NHẠN của chúng

Tuy nhiên là mấy hôm sau nhắc lại thì bà Nuôi chối biến “ủa tôi có bảo các cô các dượng ấy đẹp bao giờ đâu ta”.

Nói chung, chả hiểu bà Nuôi.

Lại chuyện bà Nuôi

October 14, 2008

Đến chịu bà Nuôi.

Giờ mình mới cay đắng nhận ra một điều là mình nói gì bà Nuôi cũng chả hiểu. Bà Nuôi chỉ nghe được vài từ rồi đoán già đoán non. Có lúc đoán trúng. Phần lớn đoán trượt. Ví dụ, đang yên lành mình bảo “hôm nay ko cần thay ga giường đâu madame ạ”, thì y như rằng về đã thấy bà Nuôi thay biến cái ga giường từ đời nào. Từ hồi có bà Nuôi mình đâm ra lại hay dùng body language chân tay khua khoắng, tức là vừa nói không vừa làm điệu bộ lắc đầu xua tay rối rít.

Quả chanh xanh thì bà Nuôi gọi là chanh mấn. Đau khổ hơn, chanh vàng thì bà Nuôi bảo là chanh đỏ, ‘cô cứ ăn quả chanh đỏ đó chả ngon bằng chanh mấn đâu”.

Xin lỗi đụng đến vấn đề hơi nhạy cảm tí. Bà Nuôi bảo con trai thì có con cu, con gái thì có con chim. Thế tức là Lila có chim? Chú Bình Nguyên phản đối gọi chim chú là con cu đã đành, mình cũng nhỏ nhẹ “u nói thế nào, con gái sao có chim được” thì bà Nuôi bảo “đúng đấy cô ơi, tiếng miền Nam tôi nó thế”. Làm cho mình vô cùng hoang mang. Ngày xưa mình đọc truyện do các tác giả miệt vườn viết cũng nhiều, mà chả ở đâu thấy gọi thế này.

Cả tháng nay chuyển mùa mình cứ ốm dặt dẹo liên tục, bà Nuôi bảo “tại cô sinh đẻ xong ko chịu kiêng khem cô ơi. Chứ tôi 1 tháng sau mới gội đầu, bà già mẹ chồng còn mua 70 ký than cho nằm sưởi bằng hết, chả ốm bao giờ”. Bà Nuôi còn bảo “con mới đẻ tôi hơ qua than, chả đứa nào cảm lạnh bao giờ”. Làm cho mình lại vô cùng bối rối. Hay tại mình ko hơ Ale và Lila qua than nên giờ cứ chuyển mùa là hai đứa sụt sịt? Lila mà cho hơ qua than chắc vòng đi thì chảy hết lít mỡ, vòng lại lại chảy thêm lít mỡ nữa.

Tối qua, thấy mình ốm mà còn bảo đi tắm, bà Nuôi bảo “cô ơi, cô tắm mà ko muốn ốm thì tắm đừng có ướt lưng”. Mình thấy bất khả thi quá mới bảo “Thôi u ơi, u bảo cháu tắm thế nào mà ko ướt lưng được bây giờ”. Khổ lắm.

Bà Nuôi chỉ được cái lẩm cẩm thôi. Trưa nay còn cho mình ăn đúng bát cơm quả trứng.

Chết mất.

Nhưng mà cả nhà đều thích bà Nuôi

Cô giúp việc của tớ

October 2, 2008

Hôm qua tớ nấu ăn. Tớ cắt một củ hành tây. Tớ than thở là hành cay quá làm tớ chảy nước mắt. Cô giúp việc nghe thấy bảo “cô lấy cái vỏ hành cho vào tai là có cắt hành cách mấy cũng ko chảy nước mắt”. Tớ nghe chưa rõ lại hỏi lại “là làm thế nào hả cô?”. Cô ấy nhiệt tình ‘cô để tôi cho cái vỏ hành vào tai cô là cô hết chảy nước mắt ngay”. Miệng nói tay chân xắm nắm định lấy cái vỏ hành làm luôn, tớ tí ngất “ôi thôi u ơi con xin u”.

Tớ ko dám làm nhưng tớ vô cùng tò mò. Bạn nào thử cho vỏ hành vào tai rồi cắt vài củ hành xem tác dụng thế nào bảo cho tớ biết với.

Cô giúp việc nhà tớ cũng hay chửi bâng quơ. Giờ tớ còn quen rồi, cô ấy động chửi một cái là tớ biết ngay là đang nói về ông chồng của cô ấy đây. Chứ còn ban đầu, các cậu bảo, đùng một phát giữa trời quang mây tạnh cô ấy bảo “cha cái lão”, tớ giật bắn mình, tưởng chồng tớ dính chưởng, vì nhà tớ chỉ có chồng tớ là có thể đủ tuổi lão, chứ chả nhẽ bảo chú Bình Nguyên. Hoá ra cô ấy tiếp tục “đi với mèo chán giờ già ốm xệt lệt lại quay về guậy tôi”.

Cô giúp việc của tớ, hôm mới đến tớ đưa một bản quy định đánh máy, vì thay giúp việc nhiều rồi, lần nào cũng phải nói những điều y nhau, tớ chán tớ đánh máy luôn một bản, cô nào đến chỉ việc in ra, thuận tiện vô cùng. Nhưng người tính chả bằng trời tính. Vì cô giúp việc này chả biết đọc. Cô ấy mà ngồi vò đầu bứt tai đánh vần hết hai trang quy định đánh máy lít nhít chắc hết cả tuần. Cô ấy kể hồi nhỏ bố mẹ bỏ rơi, một bà goá nhận về làm con nuôi. Hàng ngày phải đi chăn mấy trăm con vịt hoặc chăn trâu. Cô ấy hay núp bên ngoài lớp học để học lỏm. Một hôm thầy giáo thương mới gọi vào cho ngồi học, nên mới võ vẽ vài chữ. Thế mà có hôm mải học, mất vịt, về nhà bị mẹ nuôi đánh cho tướp áo.

NY bắt đầu lạnh. Tớ biết cô ấy chả có áo lạnh, vì ở miền Nam suốt biết lạnh là gì. Thế nên hôm nọ tớ mới đi mua đồ lạnh cho cô ấy. Tớ ra Daffy’s. Tớ hay ra đó khi nào cần mua đồ chất lượng tốt mà giá lại vừa phải. Tớ có con nhỏ, nên ở nhà tớ cũng chỉ mặc những đồ đó thôi, để hỏng hoặc dây bẩn không tiếc. Thế mà cô ấy chê, bà con ạ. Cô ấy bảo ‘Hôm nào cô phải dẫn tôi đi mua đồ giống đồ của Ale cô nhé’. Chả là cô ấy mê mẩn mấy món Ralph Lauren và Jacadi của chú Bình Nguyên.

Trêu ghẹo thế thôi. Chứ những người thế này tớ rất trân trọng. Tớ thích những người biết sống cho bản thân mình, nhưng nếu cần cũng có thể hy sinh vì người khác. Tớ thích những người biết trân trọng cơ hội đời dành cho mình. Cô ấy bảo tớ “cô cho tôi làm cho cô, cho tôi được đi nhiều nơi, mở mang đầu óc, lại dành dụm được một món, tôi biết ơn cô lắm”. Chứ như mấy chị giúp việc cũ nhà tớ, lúc phỏng vấn thì dễ dãi, thế nào cũng được em ạ, thế mà sang đến nơi một cái, chị thì bảo “chị chả muốn đi, chị nể em là chỗ quen biết cũ thì chị đi”. Chị thì lúc phỏng vấn mình hỏi “em cần người trong ít nhất là 4 năm, chị có đi được ko”, thì bảo “đi bao lâu cũng được em ạ”, chỉ vừa sang đến nơi được 5 phút oạch ngay cho một câu “chị làm hai năm rồi về. Chồng chị trẻ, con chị nhỏ, ko đi lâu được”.

Nói chung tớ là người yếu mềm ngại xung đột. Nên tớ sợ giúp việc cá tính và chủ động, cứ thích quyết định hoặc phát ngôn thay tớ. Sợ lém.

Tớ thấy cô giúp việc này có vẻ sợ tớ, tớ thấy mình oai như cóc, tớ rất thích 😛

Móng giò

September 18, 2008

Cô giúp việc mới của tớ, ở nhà tớ được 1 tháng rồi. Tớ tính đến thời điểm hiện giờ là chỉ phiền lòng đúng có ba điểm:

Thứ nhất, cô ấy hay hát ru Lila, trung bình hai ba tiếng gì đó một lần. Cô ấy hát cũng nhiều bài. Nhưng bài nào thì bài, mở đầu bao giờ cô ấy cũng hờ một đoạn khá dài ‘ơ ớ ơ ờ ơ, dzí dầu”, rồi sau đó mới hát gì thì hát. Chưa kể những bài cô ấy hát nhạc nó cứ ỉ eo nghe như đang khóc tiếc thương ai đó chứ chả ra là ngọt ngào hát ru. Thảm não vô cùng.

Thứ hai, tớ hay xuống ăn trưa muộn, khi cô ấy và chú Bình Nguyên đã ăn xong. Tớ vừa ngồi vào bàn một cái là y như rằng cô ấy kể chuyện. Kể chuyện thì ko sao, cô giúp việc nào nhà tớ cũng nhằm đúng lúc tớ ăn là ngồi kể chuyện. Nhưng cô ấy toàn kể những chuyện làm tớ ko nuốt nổi cơm nữa. Ví dụ hôm kia, tớ vừa ngồi vào bàn thì cô ấy kể chuyện Lila ị đùn ra sao, Lê ị đùn thế nào, còn hôm qua, vừa xúc được thìa cơm vào mồm thì cô ấy kể chuyện cô ấy đẻ rơi. Lại còn mô tả rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ), lại còn đẻ rơi tận hai lần. Tớ lại có tính hay liên tưởng. Gần chết.

Thứ ba, tớ mà dặn cô ấy cái gì, cô ấy ko hiểu thì phải bảo tớ là không hiểu. Tớ biết là giọng Nam Bắc khác nhau, tớ cũng biết là tớ mắc tật nhiều khi nói liến thoắng có giời mới hiểu, nhưng mà cô ấy ko hiểu thì phải bảo tớ để tớ còn sửa, đây cô ấy cứ “dà dà”, làm tớ yên chí lớn, chỉ để một lúc sau thì tá hỏa tam tinh vì cô ấy làm nhầm. Hoặc nếu ko, tớ với cô ấy nói chuyện, nghe giống chuyện hai bà điếc đi chợ.

Tớ: u ơi, u để cháu dùng xong u hãy cất. Chứ cháu vẫn đang dùng mà u lại cứ cất biến của cháu đi làm cháu lại đi tìm.

Cô ấy: dà dà. (Im lặng chết chóc một lát). Cái tất của thằng Ale đó ở ngay bên ngoài đó cô.

Chịu hẳn.

Tớ nghĩ mãi cũng ra cách rồi, tớ bắt đầu học giọng Cần Thơ. Ví dụ, thông thường ra thì tớ sẽ nói “cô Nuôi đi pha sữa cho Lila đi”, thì giờ tớ sẽ nói “Cô Nuôi đi guậy sữa cho Lila đi”. Cô ấy hiểu răm rắp.

Cái gì tớ cũng học được tất. Chỉ trừ có mỗi cái này: cô ấy gọi chângiò. Cô ấy ngồi săm soi chân tay Lila, xong bảo “cô ơi, lúc nào cô có thời gian cô cắt móng tay móng giò Lila đi cô”. Tớ nghe chữ móng giò thì lại cứ nghĩ ra cái chân lợn. Chỉ có đúng cái này là tớ đầu hàng thui.

Nên khi tớ về Hà nội, tớ mà có nói hơi là lạ, các bạn tớ thông cảm nhé. Giọng Cần Thơ đấy, chả phải lơ lớ Tây tàu gì đâu. Nghe cũng cưng dễ sợ luôn